Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009
Giới thiệu Bài giảng cuối cùng của Randy Pausch
Giới thiệu tác giả Randy Pausch
Randy Pausch là giáo sư bộ môn Khoa học Máy tính, Tương tác Người – Máy và bộ môn Thiết kế tại Đại học Carnegie Mellon. Từ năm 1988 đến năm 1997, ông dạy tại Đại học Virginia. Là một nhà giáo và nhà nghiên cứu nhận được nhiều giải thưởng, ông đã cộng tác với Adobe, Google, Electronic Arts (EA), Walt Disney Imagineering và khởi xướng đề án Alice.
Tạp chí Time đã vinh danh ông trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới, và đài truyền hình ABC tuyên bố ông là một trong ba “nhân vật của năm” 2007. Ông được nhiều báo và tạp chí phỏng vấn như: TIME, Wall Street Journal, Oprah Winfrey, USA Today…
Randy Pausch mất ngày 25 tháng 7 năm 2008, sau một thời gian chống chọi quyết liệt và không mệt mỏi với căn bệnh ung thư tụy.
Kỳ 1: Xổ số cha mẹ
Tôi đã trúng xổ số cha mẹ. Tôi được sinh ra cùng với một vé số trúng thưởng, đó là lý do chính để tôi có thể đạt được những ước mơ tuổi thơ của mình.
Mẹ tôi là một giáo viên dạy tiếng Anh khá khắt khe và cổ điển. Bà nghiêm khắc với học sinh, chấp nhận việc các phụ huynh ta thán bà đã đòi hỏi quá nhiều ở con cái họ. Làm con, tôi biết về những yêu cầu cao của mẹ, và thấy đó là vận may của mình.
Cha tôi là nhân viên y tế, ông tham gia Thế chiến II. Ông lập một nhóm phi lợi nhuận giúp trẻ em nhập cư học tiếng Anh. Để kiếm sống, ông có một doanh nghiệp nhỏ bán bảo hiểm ôtô trong nội thành Baltimore. Khách hàng của ông phần lớn là những người nghèo có hồ sơ tín dụng kém, hoặc ít tiền. Ông luôn cố tìm cách kiếm ra bảo hiểm để họ được phép lái xe.
Với cả triệu lý do, cha tôi là vị anh hùng của tôi.
Tôi lớn lên khá thoải mái trong một gia đình trung lưu ở thị trấn Columbia, bang Maryland. Tiền chưa bao giờ là một vấn đề trong nhà, chủ yếu do cha mẹ tôi không có nhu cầu chi tiêu nhiều. Họ sống rất thanh đạm. Chúng tôi ít đi ăn tiệm, tới rạp xem phim một hoặc hai lần mỗi năm. “Các con nên xem tivi – cha mẹ tôi thường nói – Nó không tốn tiền. Hoặc tốt hơn, các con nên đến thư viện mượn sách mà đọc”.
Khi tôi 2 tuổi và chị tôi 4 tuổi, mẹ đưa chúng tôi đến rạp xiếc. Lúc lên 9, tôi lại muốn đi xem. “Con không cần phải đi nữa – mẹ tôi nói – Con đã xem xiếc rồi còn gì”.
Theo chuẩn mực bây giờ điều đó có vẻ như một sự áp bức, nhưng thật ra với cách sống như vậy chúng tôi đã có một tuổi thơ thật tuyệt vời. Tôi thấy mình thành đạt trong cuộc sống như ngày nay, chính bởi tôi có một người mẹ và một người cha đã làm rất nhiều việc đúng đắn.
Chúng tôi không mua sắm nhiều nhưng chúng tôi lại nghĩ về mọi thứ. Cha tôi là người ham hiểu biết thời sự, lịch sử và mọi điều liên quan tới cuộc sống. Lớn lên, tôi nhận thấy có hai loại gia đình:
1. Loại gia đình cần đến từ điển trong bữa ăn tối.
2. Loại gia đình khác.
Chúng tôi thuộc loại thứ nhất. Hầu như mỗi tối chúng tôi đều phải tham khảo cuốn từ điển để trên giá sách cách bàn ăn chừng sáu bước. “Nếu mình có câu hỏi – cha mẹ tôi nói – thì cần phải tìm câu trả lời”.
Thói quen bản năng trong gia đình tôi là không ngồi yên như những kẻ lười nhác rồi ngạc nhiên. Chúng tôi biết một cách khác tốt hơn: mở bách khoa toàn thư, mở từ điển, mở đầu óc của mình.
Cha tôi cũng là người kể chuyện rất tài, ông luôn nói mỗi câu chuyện cần được kể với một lý do. Ông thích những câu chuyện đã trở thành châm ngôn về đạo đức sống. Ông là bậc thầy về loại chuyện như vậy, và tôi đã tiếp thu được những kỹ xảo đó của ông. Bởi vậy chị tôi, Tammy, khi xem trực tuyến bài giảng cuối cùng của tôi, đã thấy miệng tôi chuyển động và nghe một giọng nói nhưng không phải là của tôi. Đó là của cha. Chị biết tôi đã sáng tạo lại khá nhiều điều chọn lọc trong sự thông thái của cha. Tôi không phủ nhận điều đó. Thật ra lúc đó tôi có cảm giác như đã đội lốt cha mình trên bục giảng.
Tôi trích dẫn cha tôi hầu như mỗi ngày. Sau này, tôi thấy mình đã trích dẫn về cha ngay cả những điều ông không nói. Theo cách nghĩ của tôi, những lời uyên bác đó vẫn có thể là của cha tôi dù ông chưa nói ra. Với tôi, ông là người biết mọi thứ.
Mẹ tôi cũng là người hiểu biết nhiều. Suốt cuộc đời, bà luôn thấy có bổn phận dẫn dắt tôi. Và tôi biết ơn về điều đó. Cho đến nay nếu ai đó hỏi rằng hồi nhỏ tôi thế nào, bà mô tả: “Tỉnh táo, nhưng không quá sớm phát triển”. Ngày nay chúng ta sống trong thời đại mà các bậc cha mẹ luôn khen con mình là thiên tài. Còn mẹ tôi coi “tỉnh táo” đã đủ như một lời khen.
Cha mẹ tôi biết cần làm gì để giúp đỡ mọi người. Ông bà luôn tìm kiếm những dự án lớn rồi dấn thân tham gia. Cha mẹ tôi đã cùng thuê ký thác một ký túc xá năm mươi phòng ở vùng nông thôn Thái Lan để giúp các em gái địa phương có điều kiện tiếp tục đến trường, thay vì phải bỏ học làm gái điếm.
Ở tuổi 83, cha tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Biết không còn sống được lâu, ông đã đăng ký hiến xác cho các nghiên cứu y học, và đóng góp tiền để chương trình từ thiện của ông ở Thái Lan có thể tiếp tục được tối thiểu sáu năm nữa.
Nhiều người tham dự bài giảng cuối cùng của tôi bị thu hút bởi một bức ảnh tôi đưa lên màn chiếu: đó là bức ảnh chụp tôi trong bộ đồ ngủ, nằm nghiêng tựa lên khuỷu tay. Rõ ràng tôi là một cậu bé ưa những ước mơ lớn.
Thanh gỗ chắn ngang người tôi là mặt trước của chiếc giường tầng. Cha tôi, một người khá khéo tay, đã tự đóng chiếc giường đó. Nụ cười trên khuôn mặt, thanh chắn gỗ, cái nhìn trong đôi mắt: bức ảnh đó nhắc rằng tôi đã trúng xổ số cha mẹ.
Kỳ 2: Cậu Randy xin một đặc ân (*)
Một thời gian dài tôi mang biệt hiệu “ông cậu chưa vợ”. Những năm 20 và 30 tuổi, tôi không có con và hai con của chị tôi, Chris và Laura, đã trở thành những đứa trẻ tôi hết mực thương yêu. Tôi thích thú trong vai cậu Randy, hằng tháng hiện diện trong cuộc đời chúng và giúp chúng nhìn thế giới của chúng từ những góc nhìn mới lạ.
Tôi không chiều chuộng và làm hư chúng. Tôi chỉ thử tìm cách truyền đạt quan điểm của mình về cuộc sống. Và điều này thỉnh thoảng đã làm chị tôi phát điên.
Đổ nước lên ghế xe
Một lần, khoảng mười mấy năm về trước, khi Chris lên bảy và Laura lên chín, tôi đón chúng với chiếc xe Volkswagen Cabrio mui trần mới tinh vừa mua. “Phải cẩn thận trong xe mới của cậu Randy nhé – chị tôi nhắc các con – Chùi chân trước khi vào xe. Đừng nghịch các thứ. Đừng làm bẩn xe”.
Tôi lắng nghe chị và nghĩ theo cách nghĩ của một ông cậu chưa vợ: “Đây đúng là kiểu răn bảo làm hỏng bọn trẻ. Tất nhiên chúng có thể làm bẩn xe tôi. Trẻ nhỏ làm sao có thể tránh được”. Vậy nên tôi làm mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Trong khi chị tôi nhắc nhở các quy tắc, tôi chậm rãi mở một lon nước ngọt, dốc ngược và đổ xuống chiếc ghế đệm bọc vải ở phía sau xe. Thông điệp của tôi: con người quan trọng hơn đồ vật. Một chiếc xe, kể cả quý giá như chiếc xe mui trần mới của tôi, cũng chỉ là một đồ vật.
Khi đổ lon nước ngọt, tôi quan sát thấy Chris và Laura miệng há, mắt trợn tròn. Quả là cậu Randy điên khùng, hoàn toàn chối bỏ những nguyên tắc của người lớn.
Cuối cùng tôi thật mừng vì đã tưới lon nước ngọt đó bởi đến cuối tuần, Chris bé nhỏ bị cảm cúm và đã nôn tung tóe khắp ghế sau xe. Cậu bé đã không cảm thấy có lỗi. Nó được yên lòng bởi đã chứng kiến tôi rửa tội chiếc xe và biết việc nó làm cũng không có vấn đề gì.
Mỗi khi có bọn nhỏ ở cùng, chúng tôi nêu lên hai quy tắc: 1. Không ỷ ôi. 2. Không nói với mẹ những việc chúng tôi cùng làm với nhau.
Việc không nói với mẹ đã làm mọi thứ trở thành chuyện mạo hiểm. Kể cả thứ trần tục cũng trở nên thần diệu.
Hầu hết những ngày cuối tuần Chris và Laura đều chơi ở căn hộ của tôi và tôi đưa chúng tới Chuck E.Cheese (một tổ hợp các trung tâm giải trí gia đình), rồi chúng tôi cùng nhau đi dạo hoặc tham quan một viện bảo tàng. Những cuối tuần đặc biệt, chúng tôi đến ở một khách sạn có bể bơi.
Ba chúng tôi thích cùng nhau làm bánh trứng. Cha tôi luôn hỏi: “Tại sao bánh trứng lại cứ phải hình tròn?”. Tôi cũng hỏi y như thế. Vậy nên chúng tôi luôn làm những chiếc bánh trứng có hình những con thú kỳ quặc. Ở chúng có một sự vụng về mà tôi rất thích, vì mỗi chiếc bánh trứng hình thú làm ra là một phép thử Rorschach. Chris và Laura sẽ nói: “Nó chẳng giống hình con thú mà chúng cháu muốn”. Nhưng điều đó cho phép chúng tôi nhìn nhận bánh trứng như chính chúng, rồi tưởng tượng ra hình một con thú.
Khi cha không còn cơ hội…
Tôi đã chứng kiến Laura và Chris lớn lên, trở thành những thanh niên tuyệt vời. Laura bây giờ đã 21, còn Chris 19 tuổi. Giờ đây, hơn lúc nào hết tôi thầm biết ơn các cháu đã cho tôi cơ hội trở thành một phần tuổi thơ của chúng, cũng bởi tôi biết tôi sẽ không còn có thể làm cha của những đứa trẻ lớn hơn sáu tuổi. Quãng thời gian với Chris và Laura do vậy trở thành vô cùng quý giá. Các cháu đã cho tôi món quà, được hiện diện trong cuộc đời của chúng suốt từ thơ ấu, tuổi học trò cho tới lúc trưởng thành.
Gần đây tôi đã yêu cầu cả Chris và Laura dành cho tôi một đặc ân. Sau khi tôi chết, tôi muốn vào cuối tuần các cháu đưa con tôi đi chơi chỗ này chỗ kia, làm những việc ưa thích mà chúng có thể nghĩ ra. Không cần phải làm đúng những gì chúng tôi đã làm cùng nhau và có thể để các con tôi chủ động đề đạt. Dylan rất thích khủng long. Chris và Laura có thể đưa nó tới bảo tàng khoa học tự nhiên. Logan thích thể thao, các cháu có thể đưa nó đi xem Steelers (đội bóng bầu dục chuyên nghiệp ở Pittsburgh). Còn Chloe thích khiêu vũ, các cháu có thể nghĩ ra một cái gì đó.
Tôi cũng muốn Chris và Laura nói với các con tôi đôi điều. Thứ nhất, chúng có thể nói đơn giản: “Bố muốn anh chị dành thời gian với các em, giống như trước kia bố đã dành thời gian với anh chị”. Tôi hi vọng các cháu cũng sẽ kể cho con tôi việc tôi đã cố gắng chiến đấu với bệnh tật để sống như thế nào. Tôi đã đăng ký dùng phương pháp trị liệu nặng nhất bởi tôi mong muốn được sống lâu với các con của mình. Đó là thông điệp tôi muốn Laura và Chris sẽ truyền đạt lại.
Còn thêm một điều nữa. Nếu các con tôi làm bẩn xe của Chris và Laura, tôi mong các cháu sẽ nghĩ tới tôi và mỉm cười.
Không phải mọi thứ đều cần sửa chữa
Một ngày ấm áp hồi mới cưới, tôi tản bộ tới Carnegie Mellon, còn Jai ở nhà.
Chiếc minivan ở trong gara, còn chiếc Volkswagen mui trần của tôi ở trên lối vào. Jai lái chiếc minivan ra mà không thấy chiếc xe kia đậu trên đường. Kết quả: tiếng kêu răng rắc đến liền sau đó, boom, bam!
Cuối bữa ăn tối, Jai nói: “Randy, em có điều cần nói với anh. Em đã đâm xe vào chiếc xe kia”.
Cô bảo chiếc xe mui trần bị hỏng nặng nhất, nhưng cả hai vẫn chạy tốt. “Anh có muốn ra gara xem chúng?” – cô hỏi.
“Không – tôi nói – Đợi ăn tối xong đã”.
Cô ngạc nhiên. Tôi không giận, cũng chẳng mấy bận tâm. Ngay sau đó cô đã hiểu phản ứng rất chừng mực của tôi bắt nguồn từ cách tôi đã được dạy dỗ.
Sau bữa tối chúng tôi ra xem xe. Tôi chỉ nhún vai và có thể thấy với Jai, một ngày đầy lo âu đã tan biến. “Sáng mai – cô hứa – em sẽ hỏi xem ước tính sửa hết bao nhiêu”.
Tôi nói với cô là không cần thiết. Những chỗ hỏng vẫn chấp nhận được. Cha mẹ tôi đã dạy ôtô là để đưa mình từ điểm A tới điểm B. Chúng là những vật dụng, không phải là thứ thể hiện địa vị xã hội. Vì vậy tôi nói với Jai là không cần phải tu sửa lại. Chúng tôi vẫn có thể dùng xe với các vết trầy xước và móp méo.
Jai hơi sửng sốt. “Có thật chúng mình cứ lái khắp nơi với chiếc xe vừa bẹp vừa trầy xước?” – cô hỏi.
“Đúng. Jai, em không cần sửa những thứ khi chúng vẫn còn làm được cái việc chúng phải làm”.
Điều đó có thể hơi giễu cợt. Nhưng nếu thùng rác hoặc xe cút kít của bạn bị một vết trầy, chắc bạn sẽ không mua cái mới. Có thể bởi vì chúng ta không dùng thùng rác hoặc xe cút kít để truyền đạt địa vị xã hội của chúng ta hoặc để phân biệt chúng ta với những người khác. Với Jai và tôi, những chiếc xe sứt sẹo đã trở thành một tuyên ngôn trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Không phải mọi thứ đều cần sửa chữa.
Kỳ 3: Lọ đựng muối giá 100.000 USD
Khi tôi 12 và chị tôi 14 tuổi, gia đình tôi tới thăm Disney World ở Orlando. Cha mẹ thấy chúng tôi đã đủ lớn để có thể tự đi chơi quanh công viên mà không cần phải có sự giám sát.
Hãy nghĩ về sự vui sướng đó. Chúng tôi đang ở nơi huyền diệu nhất có thể tưởng tượng được ở trên đời và lại được tự do khám phá. Chúng tôi rất biết ơn cha mẹ đã đưa chúng tôi tới đây, và cũng để chứng tỏ mình đã đủ khôn lớn, chúng tôi quyết định lấy tiền tiêu vặt của mình mua tặng cha mẹ một món quà cảm ơn.
Câu chuyện về sự tử tế
Chúng tôi vào một cửa hàng và tìm thấy món quà hoàn hảo: một bộ đồ đựng muối và hạt tiêu bằng sứ có hai chú gấu vắt vẻo trên cây, mỗi chú cầm một chiếc lọ. Chúng tôi trả 10 USD cho món quà, ra khỏi cửa hàng và rảo bước dọc Main Street để tìm kiếm điểm chơi kế tiếp.
Tôi cầm món quà, và trong một khoảnh khắc khủng khiếp, nó trượt khỏi tay tôi, rơi xuống đất vỡ tan. Chị tôi và tôi, cả hai đều đứng khóc.
Một người lớn tuổi lúc đó chứng kiến những gì vừa xảy ra, bà tới chỗ chúng tôi. “Hãy mang nó lại cửa hàng – bà nói – Cô chắc chắn họ sẽ đưa cho các cháu một bộ mới”.
“Cháu không thể làm như vậy – tôi nói – Đó là lỗi của cháu. Cháu đã đánh rơi nó. Vậy thì làm sao cửa hàng lại phải đưa cho chúng cháu một bộ mới?”.
“Cứ thử xem – bà nói – Cháu đâu biết được”.
Vậy là chúng tôi quay lại cửa hàng… và chúng tôi đã không nói dối. Chúng tôi giải thích những gì vừa xảy ra. Mấy nhân viên bán hàng lắng nghe câu chuyện, mỉm cười với chúng tôi và bảo chúng tôi có thể có một bộ lọ đựng muối và hạt tiêu mới. Họ còn nói đó là lỗi của họ vì đã không gói món quà cẩn thận!
Thông điệp của họ là: “Việc đóng gói của chúng tôi đáng lẽ phải đủ an toàn để bảo vệ món quà khi nó bị rơi do sự quá phấn khích của một cậu bé 12 tuổi”.
Tôi thật bất ngờ. Không chỉ biết ơn mà còn không tin nổi. Chị em tôi rời cửa hàng, hoàn toàn choáng váng.
Trái tim của doanh nghiệp?
Khi cha mẹ chúng tôi biết chuyện, ông bà đã thật sự thêm phần ngưỡng mộ Disney World. Sự thật là quyết định phục vụ khách hàng với lọ đựng muối và hạt tiêu 10 USD đã giúp Disney thu thêm hơn 100.000 USD.
Hãy để tôi giải thích.
Nhiều năm sau đó, với tư cách là một cố vấn viên cho Disney Imagineering, thỉnh thoảng có dịp trao đổi với những người lãnh đạo cao cấp của Disney, tôi thường nhắc lại câu chuyện về lọ đựng muối và hạt tiêu.
Tôi đã giải thích về việc những nhân viên ở cửa hàng đồ lưu niệm đã làm chị em tôi cảm nhận tốt đẹp về Disney như thế nào, và điều đó đã khiến sự đánh giá về Disney của cha mẹ chúng tôi nâng lên một tầm cao mới.
Cha mẹ tôi đã biến những chuyến đi thăm Disney thành một phần mật thiết trong công việc thiện nguyện của họ. Ông bà đã dùng một chiếc xe buýt 22 chỗ thường xuyên chở học sinh từ Maryland tới thăm Disney. Hơn 20 năm liền, cha tôi đã mua vé cho hàng chục trẻ em tới thăm Disney World. Tôi đã tham gia hầu hết các chuyến đi đó.
Tóm lại, từ ngày ấy gia đình chúng tôi đã chi hơn 100.000 USD tại Disney World để mua vé vào cửa, thức ăn, quà lưu niệm cho chính chúng tôi và những người khác.
Khi kể câu chuyện này cho những người lãnh đạo Disney, tôi luôn kết thúc bằng câu hỏi: “Nếu hôm nay tôi gửi một cậu bé tới một trong những cửa hàng của ông với một bộ lọ đựng muối và hạt tiêu bị vỡ, thì chính sách công ty có cho phép các nhân viên đủ tử tế để đưa cho cậu bé một bộ mới?”.
Những nhà lãnh đạo tỏ ra lúng túng với câu hỏi này. Họ biết câu trả lời: có lẽ là không.
Bởi vì không đâu trong hệ thống kế toán của họ có khả năng tính một bộ lọ đựng muối và hạt tiêu 10 USD có thể mang lại nguồn thu 100.000 USD như thế nào. Và do vậy, dễ thấy một cậu bé hôm nay sẽ không có nhiều may mắn, sẽ bị mời ra khỏi cửa hàng với hai bàn tay không.
Thông điệp của tôi là: có nhiều hơn một cách để đo lợi nhuận và thua lỗ. Ở mọi mức độ, các doanh nghiệp có thể và cần phải có một trái tim.
Mẹ tôi vẫn còn giữ lọ đựng muối và hạt tiêu 100.000 USD này. Cái ngày những nhân viên ở Disney World cho đổi lại nó là một ngày tuyệt vời đối với chúng tôi và cũng là một ngày không tồi đối với Disney!
Nói sự thật
Nếu tôi chỉ được có ba từ để khuyên thì chúng sẽ là “nói sự thật”. Nếu được thêm ba từ nữa tôi sẽ bổ sung “trong mọi lúc”.
Trung thực không chỉ đúng về đạo đức mà còn mang lại hiệu quả. Trong một nền văn hóa mà ai cũng nói sự thật thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian phí phạm dành cho việc kiểm chứng. Khi dạy ở Đại học Virginia, tôi đã thích áp dụng điều lệ về danh dự. Khi một sinh viên bị ốm và cần phải thi lại, tôi không cần phải ra một đề mới. Người sinh viên chỉ cần cam kết là chưa trao đổi với bất kỳ ai về bài thi là tôi để anh ta thi đúng bài thi cũ.
Người ta nói dối vì rất nhiều nguyên nhân, thông thường vì đó là cách để đạt được điều họ mong muốn với ít công sức hơn. Nhưng cũng giống như nhiều chiến lược ngắn hạn, nó không hiệu quả về dài hạn. Sau này bạn sẽ gặp lại mọi người và họ nhớ là bạn đã nói dối họ. Và họ sẽ nói với rất nhiều người khác về việc ấy. Đó là điều làm tôi ngạc nhiên về việc nói dối. Hầu hết những người nói dối đều nghĩ họ sẽ thoát được lời nói dối… nhưng thực chất họ không thoát nổi.
Kỳ 4: Khích lệ những ước mơ
TT – Thật vui sướng khi bạn hoàn tất được những ước mơ tuổi thơ của mình, nhưng khi có tuổi hơn bạn sẽ thấy việc tạo điều kiện cho những ước mơ của người khác còn làm mình vui sướng hơn.
Randy Pausch (trái) và Jeff Zaslow – người chấp bút Bài giảng cuối cùng cho Randy – Ảnh: The New York Times
Có một người viển vông
Khi tôi dạy ở Đại học Virginia năm 1993, Tommy Burnett, một sinh viên 22 tuổi – người từ một nghệ sĩ đã trở thành một tài năng về đồ họa máy tính – muốn được làm việc trong nhóm nghiên cứu của tôi. Sau khi nói chuyện về cuộc sống và các mục tiêu, cậu ta bất ngờ nói: “Ôi, và tôi đã luôn có chính ước mơ tuổi thơ này”.
Bất kể ai dùng các từ “tuổi thơ” và “ước mơ” trong cùng một câu đều gây cho tôi sự chú ý.
“Vậy ước mơ tuổi thơ của anh là gì, Tommy?” – tôi hỏi.
“Tôi muốn làm việc cho bộ phim Star wars kế tiếp” – cậu ta nói.
Xin nhớ đó là năm 1993. Bộ phim Star wars cuối cùng được làm năm 1983, và chưa hề có những kế hoạch cụ thể nào để làm thêm phim này. Tôi giải thích điều đó. “Đó là một ước mơ khá viển vông và sẽ rất khó để đạt được – tôi bảo với cậu ta – Nói chính xác là họ đã kết thúc việc làm các bộ phim Star wars”.
“Không” – cậu ta nói – Họ sẽ làm thêm nữa, và khi họ thực hiện tôi sẽ tham gia làm phim. Đó là kế hoạch của tôi”.
Lời giải tối thứ sáu
Tôi được ký hợp đồng vĩnh viễn (Đại học Virginia) sớm hơn một năm so với thông lệ. Việc đó có vẻ gây ấn tượng đối với các đồng nghiệp trẻ khác trong trường. Họ nói với tôi: “Bí mật của cậu là gì thế?”. Tôi nói: “Khá đơn giản. Hãy gọi điện thoại cho tôi mỗi thứ sáu ở văn phòng của tôi vào lúc 10 giờ tối và tôi sẽ nói cho anh biết (tất nhiên, đó là trước khi tôi có gia đình)”.
Rất nhiều người muốn đi trên con đường tắt. Tôi thấy con đường tắt tốt nhất là con đường dài, cơ bản nó là mấy chữ: làm việc tích cực.
Theo cách tôi nhìn, nếu bạn làm việc nhiều giờ hơn những người khác, trong những giờ đó bạn sẽ học được nhiều hơn về nghề nghiệp của bạn. Điều đó làm bạn hiệu quả hơn, có khả năng hơn, thậm chí sung sướng hơn. Làm việc tích cực cũng giống như lãi suất tích lũy ở ngân hàng. Phần thưởng được tăng nhanh hơn.
Tommy mới sáu tuổi khi bộ phim Star wars đầu tiên ra đời vào năm 1977. Cậu ta nói với tôi: “Tôi muốn trở thành người làm nên những hiệu ứng đặc biệt – những con tàu vũ trụ, hành tinh, người máy”.
Cậu ta nói khi còn là một đứa trẻ cậu đã đọc tất cả các bài viết về kỹ thuật Star wars có thể kiếm được. Cậu ta có tất cả cuốn sách giải thích các mô hình được xây dựng ra sao và các hiệu ứng đặc biệt được tạo ra như thế nào.
Khi nghe Tommy nói, tôi đã hồi tưởng tuổi thơ của mình khi tới thăm Disneyland, và tôi đã có thôi thúc ra sao để lớn lên và sáng tạo được những trò chơi kiểu như vậy. Tôi đã hình dung là ước mơ to lớn của Tommy sẽ không thể trở thành hiện thực, nhưng lại giúp ích cho cậu ta theo một cách nào đó. Tôi có thể làm việc với một người có mơ ước như vậy. Tommy có những ham muốn mà kể cả khi không đạt được chúng vẫn giúp cậu ta rất tốt, do vậy tôi để cậu ta tham gia vào nhóm nghiên cứu của tôi.
Tommy sẽ nói với bạn rằng tôi là loại sếp rất khó tính. Cậu ta nhớ tôi đã nói với cậu ta: “Tôi biết anh thông minh. Nhưng ai ở đây cũng thông minh. Thông minh thôi chưa đủ. Loại người tôi muốn có trong nhóm nghiên cứu của tôi là những người sẽ giúp được những người khác cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi cùng nhau làm việc ở đây”.
Tommy đã chứng tỏ là người có tinh thần đồng đội như vậy.
Star wars – ví dụ từ bộ phim đình đám
Khi tôi chuyển tới Carnegie Mellon, các thành viên trong nhóm nghiên cứu của tôi từ Đại học Virginia đã cùng theo tôi – tất cả, trừ Tommy. Cậu ta không đi cùng. Vì sao? Bởi cậu ta được tuyển vào làm ở Công ty Industrial Light & Magic của nhà sản xuất kiêm chủ nhiệm George Lucas.
Cũng cần nói thêm là họ đã tuyển Tommy không phải vì ước mơ mà vì khả năng và trình độ của cậu ta. Trong thời gian làm việc với nhóm nghiên cứu của tôi, Tommy đã trở thành một người thảo chương xuất sắc trên ngôn ngữ Python, và thật may mắn, đó cũng là thứ ngôn ngữ được lựa chọn ở Industrial Light & Magic. May mắn rõ ràng là sự gặp gỡ của chuẩn bị và thời cơ.
Không khó để đoán biết kết cục câu chuyện sẽ đi về đâu. Ba bộ phim Star wars mới đã ra đời – trong năm 1999, 2002, 2005 – và Tommy đã làm việc cho cả ba bộ phim đó.
Với Star wars episode II: Attack of the clones (Cuộc tấn công của những người vô tính), Tommy là giám đốc kỹ thuật chính. Trong phim có một đoạn tuyệt vời 15 phút đánh nhau trên hành tinh đá đỏ giữa những người nhân giống vô tính với những người máy, và Tommy là người xây dựng toàn bộ cảnh này. Cậu ta cùng cả nhóm đã dùng các ảnh của vùng sa mạc Utah để tạo phong cảnh ảo cho trận đánh. Tommy đã làm những công việc kỳ diệu, cho phép cậu ta sống mỗi ngày trên một hành tinh.
Vài năm sau, Tommy đã rất tử tế mời tôi cùng các sinh viên của tôi tới thăm Industrial Light & Magic. Đồng nghiệp của tôi, Don Marinelli, đã khởi đầu một truyền thống khá ấn tượng, hằng năm tổ chức một chuyến đi đưa các sinh viên qua bờ tây để họ tham quan vùng công nghiệp giải trí và các công ty công nghệ cao, nơi có thể thu hút họ vào làm việc trong thế giới đồ họa máy tính. Lúc đó, người như Tommy rõ ràng là một vị chúa đối với lớp sinh viên trẻ. Cậu ta đã làm sống động những ước mơ của họ.
Tommy ngồi cùng với ba cựu sinh viên khác của tôi để trao đổi với các sinh viên. Cuối cùng, cuộc trao đổi chuyển sang đề tài làm thế nào để bắt đầu thâm nhập lĩnh vực điện ảnh và một sinh viên muốn biết về vai trò của may mắn. Tommy tình nguyện trả lời câu hỏi này. “Cần rất nhiều may mắn – anh nói – Nhưng tất cả các bạn đều đã may mắn. Được làm việc với Randy và học hỏi từ ông, đó chính là một loại may mắn. Tôi đã không ở đây nếu không có Randy”.
Tôi đã từng trôi bồng bềnh trong trạng thái không trọng lượng. Nhưng ngày hôm đó tôi còn trôi bồng bềnh cao hơn thế. Tôi rất trân trọng việc Tommy bày tỏ tôi là người đã giúp tạo điều kiện cho những ước mơ của anh trở thành hiện thực. Điều thật sự đặc biệt là anh đền đáp đặc ân đó bằng cách tạo điều kiện cho những ước mơ của các sinh viên của tôi (và như vậy cũng chính là giúp tôi trong tiến trình này).
Kỳ cuối: Có ba trên bất cứ con đường nào con chọn
Có quá nhiều thứ tôi muốn nói với các con tôi, nhưng bây giờ chúng còn quá nhỏ để có thể hiểu được. Dylan vừa tròn sáu tuổi, Logan lên ba,Chloe thì mới mười tám tháng. Tôi muốn các con hiểu rằng tôi không muốn rời xa chúng một cách tuyệt vọng như thế nào.
Jai và tôi vẫn chưa hề nói với các con là tôi sẽ chết. Chúng tôi được khuyên là nên đợi tới lúc tôi thật sự đau yếu. Lúc này, tuy tôi chỉ còn vài tháng để sống, nhưng trông tôi vẫn khá khỏe mạnh. Do vậy các con tôi không hề nhận biết là trong từng giao tiếp với chúng, tôi đang nói lời từ biệt.
Tôi thật đau đớn phải nghĩ khi chúng lớn lên sẽ không có cha. Tôi chú tâm tới việc các con tôi sẽ mất những gì hơn là tôi sẽ mất những gì.
Người đi tìm kỷ niệm
Tôi biết là ký ức của các con về tôi có thể khá mơ hồ. Do vậy tôi cố gắng làm nhiều thứ cùng các con để chúng khó quên. Tôi muốn những gì chúng nhớ lại phải là rõ nhất có thể. Dylan và tôi đã có một kỳ nghỉ ngắn để bơi cùng cá heo. Một đứa trẻ bơi cùng với cá heo, nó sẽ không thể dễ dàng quên được một kỷ niệm như vậy. Tôi đã chụp khá nhiều ảnh.
Tôi sẽ đưa Logan tới Disney World, nơi tôi biết là nó sẽ thích như tôi. Nó thích gặp chuột Mickey. Tôi đã gặp chuột Mickey nên có thể giới thiệu với Logan. Jai và tôi cũng sẽ đưa Dylan đi cùng, bởi các trải nghiệm của Logan trong những ngày này sẽ không đầy đủ nếu không có sự chia sẻ của anh nó.
Tôi biết Chloe có thể sẽ không có ký ức gì về tôi cả. Nó còn quá nhỏ. Nhưng tôi muốn khi lớn lên nó sẽ biết rằng tôi là người đàn ông đầu tiên yêu thương nó. Tôi vẫn nghĩ tình cảm giữa cha với con gái thường hay bị khuếch đại. Nhưng nay thì tôi hiểu đó là điều có thật. Thỉnh thoảng, Chloe ngước mắt nhìn tôi và tôi thấy thật sung sướng.
Có rất nhiều thứ Jai có thể kể cho các con về tôi khi chúng lớn thêm. Cô có thể kể về tinh thần lạc quan của tôi, về cách tôi đã vui với cuộc sống như thế nào, về việc tôi đã đặt ra những chuẩn mực cao cho cuộc đời tôi. Nhưng Jai khiêm tốn, khiêm tốn hơn tôi nhiều, nên chắc cô sẽ không kể với các con rằng trong cuộc hôn nhân của chúng tôi, cô có một người chồng đã thật sự yêu cô rất sâu sắc và chân thành.
Gần đây tôi có chủ đích nói chuyện với những người bị mất cha mẹ từ khi còn nhỏ. Tôi muốn biết điều gì đã giúp họ vượt qua được những khoảng thời gian khó khăn, và những cảm xúc nào là có ý nghĩa nhất đối với họ. Họ nói với tôi là được an ủi rất nhiều khi biết cha hoặc mẹ họ đã yêu thương họ nhiều như thế nào. Càng biết nhiều, họ càng thấy như vẫn có thể cảm nhận được tình yêu thương đó. Vì họ có rất ít ký ức về cha mẹ, nên cảm thấy yên lòng khi biết cha mẹ họ đã ra đi với những kỷ niệm đẹp đẽ về họ. Bởi vậy, tôi muốn các con tôi biết rằng những kỷ niệm về chúng là đầy ắp trong tôi.
Hãy trở thành người mà các con muốn trở thành
Vì chỉ còn ít thời gian nên tôi phải nghĩ cách làm sao để thêm gắn bó với các con. Tôi viết ra những danh sách riêng các kỷ niệm của tôi với từng đứa. Tôi làm những đoạn video để chúng có thể biết những kỷ niệm đó đã có ý nghĩa nhiều như thế nào đối với tôi. Tôi viết những bức thư cho các con. Tôi cũng coi băng video ghi hình bài giảng cuối cùng và cuốn sách này là một phần tôi để lại cho các con. Tôi còn có một thùng nhựa lớn chứa đầy những bức thư nhận được trong mấy tuần sau bài giảng. Một ngày nào đó, các con sẽ muốn nhìn qua chiếc thùng này, và tôi hi vọng chúng sẽ hài lòng khi thấy cả bạn bè lẫn những người xa lạ đều cảm nhận bài giảng của tôi đầy ý nghĩa.
Bởi tôi quảng bá về sức mạnh của những ước mơ tuổi thơ, gần đây một số người đã hỏi về những ước mơ tôi có cho các con tôi.
Tôi có một câu trả lời rất thẳng thắn.
Có thể không thật đúng khi cha mẹ có những ước mơ thật cụ thể cho con cái họ. Là một giáo sư, tôi đã thấy nhiều sinh viên năm đầu thật bất hạnh khi phải chọn những chuyên ngành hoàn toàn không phù hợp với họ. Cha mẹ đã áp đặt họ lên một chuyến tàu, và khá thông thường chuyến tàu bị lật. Tôi đã chứng kiến nhiều nước mắt của sự thất vọng.
Như tôi nhìn nhận, công việc của cha mẹ là động viên con cái phát triển một niềm vui cho cuộc sống và một sự thôi thúc theo đuổi những ước mơ riêng. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là giúp con cái xây dựng một tập hợp những công cụ cần thiết cho chúng.
Vậy nên những ước mơ của tôi cho các con tôi là rất chính xác: Tôi muốn chúng tìm thấy con đường riêng để hoàn thiện. Vì tôi sẽ không còn ở đó nên tôi muốn nói thật rõ ràng: “Các con, đừng cố hiểu ba muốn các con trở thành những con người như thế nào. Ba muốn các con trở thành người mà các con muốn trở thành”.
Tôi chỉ thúc giục các con hãy tìm đường của chúng với lòng nhiệt thành và sự say mê. Và tôi muốn các con cảm nhận tôi luôn ở bên chúng, bất kể con đường nào chúng lựa chọn.
RANDY PAUSCH – VŨ DUY MẪN (dịch)
Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009
Bài hát Quán bên đường
Quán Bên Đường
Sáng tác: Phạm Duy.
lời: Thơ Trang Thế Hy
Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học...
Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.
Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.
Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư ? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời...
Đắng và ngọt
Thơ Trang Thế Hy
Ngày xưa hồi còn thơ/Một chiều nắng nhạt khoe màu tơ/Tôi cùng em hai đứa/Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa/Tóc em chừa bánh bèo/Môi chưa hồng, da mét (con nhà nghèo)/Đầu anh còn hớt trọc/Khét nắng hôi trâu, thèm đi học/Em cầm một củ khoai/Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai/Thứ khoai sùng lượm mót/Mà sao nó ngọt ơi là ngọt!
Bây giờ giữa đường đời/Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi/Gặp nhau chiều mưa lạnh/Hai đứa đều sang trong bộ cánh/Dung nhan em còn tươi/Anh mừng tưởng đâu đời em vui/Nào hay đây là quán/Em bẹo hình hài rao lên bán/Giữa thời đông khách mua/Chợ thịt còn sung được nhiều mùa/Nghe nói anh cầm viết/Nghệ thuật là gì em muốn biết/Mùi tanh nói mùi thơm/Cây bút trong tay: cần câu cơm/Đó, em ơi!Nghệ thuật/Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật/Rồi đôi ta nhìn nhau/Không ai đánh mà nghe lòng đau/Em mời anh bánh ngọt/Nhớ củ khoai sùng ngày xưa lượm mót/Đường bánh tươm vàng mơ/Như nắng chiều xưa khoe màu tơ/Mới cầm lên chưa cắn/Mà sao nó đắng ơi là đắng!/Xin anh một nụ cười/-Cười là sao nhỉ? Anh quên rồi /Xin em chút nước mắt/-Mạch lệ em từ
lâu đã tắt. /Hỏi nhau: Buồn hay vui ?/-Biết đâu ! Ta cùng hỏi cuộc
đời…
Thư gửi con trai
Con Quặm thương!
Đầu tiên ba mẹ cảm ơn con về việc con gọi điện về tró chuyện với Khương.Việc chăm sóc, dạy bảo con cái đó là trách nhiệm của cha và mẹ, nhưng Khương khác con nhiều quá...
Trưa thứ bảy ngày 19/12, lúc 14 giờ 30 chú Xồn chạy xe đến bảo ba rằng Khương bị trúng gió đang nằm tại nhà chú, vô cùng hoảng hốt pha lẫn ngạc nhiên ( vì thời gian này đúng ra em con phải đang học thêm môn toán ở nhà cô Thủy)ba liền lấy xe chạy đến nhà chú Xồn, Khương không bất tỉnh giống như những người bị trúng gió, bộ dạng em con rất lạ, áo cởi phanh ngực,mặt mày tím tái,miệng nói những lời lảm nhảm.. Ba liền cởi áo ấm của ba khoác lên người Khương và chở em về.Xức dầu và cho uống nước gừng xong ba phủ kín chăn bông cho em .Trong suy đoán của ba em con đúng là bị trúng gió, vì lúc ấy trời đang mưa và giólạnh mà Khương thì chỉ mặc trên người một chiếc áo sơmi trắng mỏng manh. Thời gian trôi qua khoảng 15 phút, Ba hỏi lại em : chở đi bệnh viện?em con gật đầu..Bệnh viện Núi thành cho chuyển Khương ra bệnh viện Tam kỳ sau khi đã đo huyết áp, và chích thuốc cho em con ...Ba má hết hồn..!!
Trong lúc mê sảng Khương đã nói lên nguyên nhân gây ra sự việc...Ba má ngất xỉu..!!
Má con khóc nhiều lắm, bệnh viêm mũi mạn tính lâu nay yên ổn thừa cơ hội gây rối làm má con sụt sùi khó chịu. Phần ba có tỉnh táo hơn nhưng tâm trạng hoang mang , bất an.
Em con hứa nhiều lắm...! Chuyện rồi cũng tạm lắng xuống vì những lẽ: Khương chuẩn bị thi học kì ; Ba má cũng chưa biết phải xử lý vụ việc này như thế nào cho thực tốt khi tâm trạng đang rối bời; và chờ con về .
Sáng nay, thứ hai ngày 20/12 ba chở em đi học, đến giờ đón em về ...Khương không từ cổng trường ra mà ở quán cafe gần trường ra lên xe ba chở về...một lần nữa ba chết lịm khi hỏi chúng bạn: Khương bỏ hai tiết cuối sáng nay.
Quặm ơi! Người ta bảo: Con ông cháu cha mới hư, con nhà giàu mới hư, con nhà nghèo mới hư, cha mẹ hư con mới hư, gia đình lục đục,ly hôn con cái mới hư; vậy mà...Cha của con không hút,không rượu,không bài, không đĩ. Má của con thì hiền thục,chăm chỉ làm ăn..
Các con ơi! Ba má sai sót chỗ nào.?
Hỡi các đấng phụ huynh hãy cứu giúp con trai tôi,
Hỡi các Thầy Cô cho tôi cho tôi một lời khuyên!
Ngàn lần đội ơn!
Thư về : thangtantat@yahoo.com.vn